Khám phá khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
Đến với xứ xở Tây Đô, bạn sẽ được tham quan nhiều khu di tích lịch sử nổi tiếng. Một trong những khu di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng ở Cần Thơ đó là khu tưởng niệm thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Đây cũng là một trong những địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan. Cùng cantho.me khám phá khu tưởng niệm của vị anh hùng tứ kiệt Bùi Hữu Nghĩa này nhé!
1. Đôi nét về khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
*Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ tự túc chi tiết từ A đến Z
Khu tưởng niệm thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được coi là một trong những khu di tích lịch sử được xây dựng rất hoành tráng ở thành phố Cần Thơ. Lăng mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cũng là một điểm du lịch đáng để du khách đến tham quan.
Khu tưởng niệm nằm trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy. Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5km. Đây là nơi yên nghỉ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa – một nhà thơ yêu nước. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả tiên phong của sân khấu tuồng Việt Nam. Người được mệnh danh là anh hùng tứ kiệt hay một trong bốn Rồng vàng của Nam Bộ.
2. Giới thiệu danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa
*Xem thêm bài viết: Tìm hiểu Công viên Lưu Hữu Phước
Tiểu sử anh hùng tứ kiệt Bùi Hữu Nghĩa
*Xem thêm bài viết: Bến Ninh Kiều – Ngắm nhìn vẻ đẹp của thủ phủ miền Tây
Bùi Hữu Nghĩa - hiệu Nghi Chi, sinh năm 1807 và mất năm 1872. Ông sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo tại thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Định, châu Định Viễn, dinh Vĩnh Trấn (ngày nay thuộc quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ).
Mặc dù thông minh và chăm chỉ, nhưng vì nhà quá nghèo nên Bùi Hữu Nghĩa chỉ theo học chữ Hán được mấy năm. Vì mến tài năng của ông, một nhà giàu cùng xóm họ Ngô đã giúp đỡ ông. Đưa ông lên Biên Hòa ngụ tại nhà Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý và theo học với thầy Đỗ Hoành. Về sau, được ông Lý gả con cho - là bà Nguyễn Thị Tồn.
Năm Ất Mùi (1835) ông đỗ Giải Nguyên (Thủ khoa) trong kỳ thi Hương Trường ở Gia Định. Do vậy, người dân thường gọi ông là Thủ khoa Nghĩa.
Sau khi thi đỗ thủ khoa, Bùi Hữu Nghĩa ra Huế dự thi Hội nhưng trượt. Tuy vậy, ông vẫn được triều đình cho tập sự ở bộ Lễ, rồi bổ làm Tri huyện Phước Chính. Thuộc phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Nhưng với bản tính liêm chính, Bùi Hữu Nghĩa không được quan trên ưa. Cho nên ông bị đổi làm Tri huyện Trà Vang (tức Trà Vinh, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long),
Trong 24 năm làm quan, thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã trải qua những thăng trầm trên con đường quan lộ. Tuy nhiên, ông luôn giữ vững tinh thần chính nghĩa. Đấu tranh chống lại bạo quyền, bạo tàn vì nhân dân.
Vụ án Láng Thé
*Xem thêm bài viết: Bảo tàng Cần Thơ
Trà Vang là một địa bàn cộng cư của các tộc người Kinh, Hoa, Khmer. Nhưng đông nhất là tộc người Khmer. Trước kia, người Khmer đã có công cứu trợ và phò tá chúa Nguyễn Phúc Ánh (về sau là vua Gia Long) trong lúc bị quân Tây Sơn đánh đuổi. Vì vậy, khi lên ngôi vua, Gia Long đã xuống chiếu miễn thuế vĩnh viễn cho tất cả người Khmer đến khai thác nguồn lợi thủy sản ở rạch Láng Thé thuộc huyện Trà Vang.
Thấy nguồn lợi lớn, một số địa chủ người Hoa đã đem tiền lo lót Bang biện Tống Văn Uyển và Bố chánh Truyện để giành quyền khai thác cá tôm ở con rạch trên.
Bị bức ép, tháng 10 năm Mậu Thân (1848), một số người Khmer đã kéo đến gặp Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa để khiếu kiện. Biết được hành động tham quan ông phán xử:
“Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ (Gia Long) ban cho dân Thổ (Khmer), nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao!"
Nghe vậy, những người dân Khmer liền kéo nhau đến nhà những người Hoa. Tranh cãi dẫn đến xô xát, làm phía người Hoa chết 8 người. Nhân cơ hội này, Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện cho bắt những người Khmer gây án. Đồng thời, bắt luôn Bùi Hữu Nghĩa giam ở Vĩnh Long rồi giải về Gia Định. Đệ sớ lên triều đình tố cáo ông đã kích động dân Khmer làm loạn và lạm phép giết người.
Sau đó, vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn đã quá giang ghe bầu. Vượt sóng gió ra đến tận kinh đô Huế đánh trống, đội đơn kêu oan cho chồng.
Sau sự việc chấn động này, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết. Tuy nhiên, phải chịu bị đày làm lính ở đồn Vĩnh Thông thuộc tổng Châu Phú (Châu Đốc) để đoái công chuộc tội.
Những cống hiến và thành tựu của thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
*Xem thêm bài viết: Đền Thờ Vua Hùng Cần Thơ
- Đến năm 1862, khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông cáo quan về Long Tuyền – Cần Thơ mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, lấy hiệu là “Liễu Lâm chủ nhân”.
- Kể cả sau khi từ quan, trong những năm 1967 - 1868 ông vẫn bí mật giúp nghĩa quân Phan Tôn - Phan Liêm mở rộng thế lực ở Cần Thơ, Vĩnh Long. Vào năm 1869 ông làm cố vấn cho nghĩa quân Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự ở Cần Thơ.
- Bùi Hữu Nghĩa còn được nhiều người biết đến là một nhà thơ nổi tiếng. Đặc biệt, vở tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên nổi tiếng của ông được xem là cổ nhất Việt Nam. Vở tuồng được trình diễn khắp đất nước và cũng là vở tuồng đầu tiên của Việt Nam được dịch ra tiếng Pháp.
- Trong thời chiến chống Pháp, nhà của ông trở thành nơi các sĩ phu yêu nước gặp gỡ, bàn việc cứu nước. Ông cũng đã tham gia phong trào đấu tranh chống xâm lược, chống áp bức, bất công.
- Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là tấm gương sáng về sự công minh, chính trực, đầy nghĩa khí, hết lòng vì dân, vì nước. Những cống hiến to lớn của ông cho nền văn học nước nhà là niềm tự hào của người dân Cần Thơ nói riêng và cả vùng Nam bộ nói chung.
3. Khám phá kiến trúc giả cổ tại khu tưởng niệm thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
*Xem thêm bài viết: Làng hoa Bà Bộ – Check-in “Vương quốc hoa”
Nơi tôn thờ vị anh hùng đầy tài năng - Bùi Hữu Nghĩa
*Xem thêm bài viết: Nhà thờ Chánh Tòa Cần Thơ
Ngưỡng mộ tài năng và công đức của Bùi Hữu Nghĩa, nhân dân trong vùng đã lập thần chủ, bài vị tôn thờ vợ chồng ông ở đình Bình Thủy và chùa Nam Nhã. Ban đầu, mộ Thủ Khoa Nghĩa được xây bằng đá ong. Nằm trong khu vườn Đốc phủ Dương Thân Hỷ. Diện tích ngôi mộ khá đơn sơ, chỉ hơn 500 m2. Phần mộ được các thế hệ người Cần Thơ chăm sóc, tu sửa nhiều lần. Sau này, mở rộng diện tích lớn hơn và hằng năm tiếp đón một lượng lớn khách viếng vào ngày giỗ của ông.
Khu mộ cho xây dựng mới gồm mộ, nhà bia, nhà thờ, nhà khác và nhà trưng bày. Tất cả đều được xây theo lối kiến trúc cổ truyền thống của Việt Nam: cột tròn, mái cong, ngói lưu ly, có các phù điêu hình rồng, phượng. Và đặt tên là "Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa".
Năm 1994, mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ở Cần Thơ được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay, khu di tích này đang được triển khai thực hiện trùng tu, tôn tạo. Nhằm đảm bảo theo tiêu chuẩn di tích lịch sử cấp quốc gia.
Lễ hội hằng năm tưởng niệm thủ khoa Nghĩa
*Xem thêm bài viết: Tham quan Nhà cổ Bình Thuỷ
Hàng năm, cứ vào ngày 21 tháng giêng, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng đều tổ chức lễ giỗ rất trang trọng để tưởng niệm thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Lễ tưởng niệm được tổ chức với hình thức trang nghiêm kết hợp với các hoạt động phong phú. Một số hoạt động có tại buổi lễ như: biểu diễn nghệ thuật võ truyền thống, phục vụ thư viện lưu động, hướng dẫn học sinh viết thư pháp. Buổi tưởng niệm thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa.
Khuôn viên khu tưởng niệm thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
*Xem thêm bài viết: Nhà tù Di tích Khám lớn Cần Thơ
Khu tưởng niệm có khuôn viên khoảng 10.000m2 với tổng kinh phí xây dựng hơn 50 tỷ đồng. Công trình đã khánh thành vào ngày 1/3/2013. Đây cũng là dịp kỷ niệm 141 năm ngày mất của ông.
Nhìn từ bên ngoài, Lăng mộ nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa nổi bật với cổng tam quan. Gồm 2 tầng lợp ngói ống được trổ vô cùng tinh tế. Kiến trúc chủ đạo của Khu Di tích là phong cách giả cổ. Với các cột cái đường kính khoảng 1m được sơn màu nâu đỏ. Vách ngăn, bàn thờ bằng gỗ được trạm trổ công phu. Bệ thờ đặt tượng cụ và có hai chú chim hạc đứng hầu hai bên. Ngói được lợp là loại ngói lưu ly xanh mát mắt. Đỉnh mái gây ấn tượng bởi biểu tượng đôi cá hóa long. Bốn góc mái được nhấn mạnh bằng những cánh chim phượng đang bay lên.
Bên trong, có khuôn viên vườn có nhiều cây xanh, rộng rãi, thoáng mát. Khu tưởng niệm có bốn công trình chính gồm ba tòa nhà lớn. Trong đó, chính giữa là nhà thờ, bên trái nhà trưng bày, bên phải là nhà khách và một nhà bia ngay cổng vào. Nhà bia là nơi để lược ghi tài năng, công đức của ông. Cùng với một số công trình phụ khác để phục vụ du khách đến tham quan kính viếng.
4. Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được xướng tên bằng các công trình công cộng
*Xem thêm bài viết: Khám phá khu di tích lịch sử Giàn Gừa
Không chỉ được xướng tên tại khu tưởng niệm, tên Bùi Hữu Nghĩa cũng đã được nhiều tỉnh thành trong nước Việt Nam chọn đặt tên cho trường học và đường phố. Ngay quê nhà của ông, các trường từ bậc tiểu học đến trung học đều lấy tên Bùi Hữu Nghĩa.
Ngay tại khu vực chợ Bình Thủy vốn là quê hương của ông, chính quyền đã đặt tên đường Bùi Hữu Nghĩa cho một đoạn của đường tỉnh lộ. Hiện nay, tỉnh lộ dài hơn 10km đều được đặt tên là đường Bùi Hữu Nghĩa.
Bên cạnh đó, nhân dân ở xã Nhị Long (Càng Long, Trà Vinh) cũng đã lập đình Long Thạnh để thờ phụng Bùi Hữu Nghĩa.
Khu tưởng niệm thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa không chỉ là nơi tri ân, tưởng nhớ danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa mà còn giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo. Hy vọng, với những thông tin mà cantho.me mang đến sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức lịch sử về Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.